Bệnh trĩ chảy máu là triệu chứng thường gặp ở người bị trĩ, gây nhiều đau đớn và ám ảnh cho người bệnh, nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng táo bón gây ra.
Vì sao bị bệnh trĩ đi ngoài lại ra máu?
Thông thường người mắc bệnh trĩ chảy máu từ vùng hậu môn là do vận động mạnh, va chạm mạnh hoặc cố rặn khi đi ngoài phân rắn, khiến búi trĩ bị vỡ ra và gây chảy máu. Ở giai đoạn sau của bệnh, nếu búi trĩ hình thành huyết khối cũng có khả năng bị vỡ mà không vì một tác động nào.
Chảy máu do bệnh trĩ thường có màu như thế nào?
Khi búi trĩ bị vỡ thường có màu đỏ tươi, nếu màu đỏ sậm hơn có thể bạn đang mắc bệnh về đường tiêu hóa hoặc các căn bệnh khác. Tuy nhiên máu chảy từ búi trĩ huyết khối sẽ có màu đỏ đậm hơn và bị vón cục. Do đó để phân biệt chính xác người bệnh cần dựa vào các triệu chứng khác của bệnh trĩ như:
- Sờ thấy có một khối phình ra xung quanh hậu môn sau khi đi vệ sinh
- Cảm giác đau rát, ngứa quanh hậu môn
- Cảm giác căng tức xung quanh hậu môn
- Có dịch nhầy từ hậu môn
Chảy máu do bệnh trĩ có nguy hiểm không?
Bệnh trĩ chảy máu không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên các triệu chứng của trĩ sẽ làm bạn khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Đặc biệt là tình trạng đi ngoài ra máu sẽ khiến người bệnh sợ hãi, lo lắng và có tâm lý không dám đi vệ sinh khi có nhu cầu. Dù có nguy hiểm hay không thì bạn cũng cần được thăm khám và điều trị sớm để tránh bệnh chuyển sang giai đoạn biến chứng.
Khi bị bệnh trĩ chảy máu phải làm sao?
Người bệnh trĩ khi đi ngoài ra máu cần được điều trị đúng cách theo hướng dẫn bác sĩ. Bên cạnh đó, bạn vẫn có thể áp dụng một số biện pháp điều trị tại nhà để đấy nhanh quá trình hồi phục và giảm bớt triệu chứng.
Các biện pháp điều trị trĩ tại nhà
Người bệnh trĩ nên thường xuyên làm sạch khu vực hậu môn để giảm viêm và giảm các triệu chứng bằng những cách như:
- Ngâm hậu môn vào nước ấm: Bạn ngâm vùng hậu môn trong nước ấm khoảng 10 – 15 phút, thực hiện nhiều lần trong ngày.
- Sử dụng khăn ướt: Người bệnh trĩ có thể sử dụng khăn ướt không hương để lau hậu môn sau khi đi vệ sinh. Lý do là vì giấy vệ sinh thô ráp, sần sùi có thể gây đau cho người bị trĩ ngoại.
- Chườm lạnh: Sử dụng một túi nước đá lạnh chườm vào vùng hậu môn nhiều lần mỗi ngày để xoa dịu cơn đau và làm giảm sưng tấy các búi trĩ.
- Tránh rặn hoặc ngồi lâu khi đi đại tiện
- Sử dụng thêm thuốc không kê toa. Người bệnh có thể sử dụng thêm các loại kem bôi ngoài da, thuốc uống, thuốc đặt. Lưu ý là các sản phẩm này chỉ sử dụng khi đã có chẩn đoán mắc bệnh trĩ.
Biện pháp chườm lạnh hậu môn khi bệnh trĩ chảy máu
Ngoài ra người bệnh cần tránh táo bón để giảm tình trạng đi ngoài ra máu bằng các cách sau đây:
- Uống nhiều nước: Người bệnh nên uống đủ nước mỗi ngày (khoảng 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày)
- Bổ sung thêm thực phẩm giàu chất xơ vào chế độ ăn uống, ví dụ như ngũ cốc nguyên hạt, rau và trái cây tươi.
- Dùng thuốc chữa táo bón có tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ
- Duy trì hoạt động thể chất hàng ngày bằng các bài tập hoặc các môn thể thao phù hợp
Nếu tình trạng đi ngoài ra máu vẫn còn sau một tuần điều trị tại nhà, người bệnh nên đến bệnh viện kiểm tra thêm.
Người viết: Mỹ Trinh
Hỗ trợ chuyên môn: Ds. Của Trần
Tài liệu tham khảo: